Hội thảo Kiến trúc "Mùa thu - Hà Nội 2016"

Hội thảo Kiến trúc "Mùa thu - Hà Nội 2016"

Ths.KTS Nguyễn Thu Phong, CT HĐQT TGĐ Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Nhà Vui, đồng thời là chủ nhiệm CLB KTS Trẻ Việt Nam đã có bài tham luận chính tại Diễn đàn kiến trúc mùa thu 2016, là hội thảo khoa học hàng năm uy tín của Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Năm nay với chủ đề " Kiến trúc vì cộng đồng", KTS Thu Phong đã trình bày tham luận với tiêu đề "Kiến trúc vì cộng đồng – Kiến trúc sư Việt Nam nhận thức và hành động".

Trong phạm vi nghiên cứu, bài tham luận đã phân tích các gương mặt KTS tiêu biểu quốc tế và trong nước trong lĩnh vực sáng tác và ứng dụng kiến trúc vì cộng đồng.

Ông Phong cũng đã đưa ra các các cách tiếp cận và định nghĩa kiến trúc vì cộng đồng với tinh thần trách nhiệm xã hội và thái độ cầu thị dấn thân của người kiến trúc sư trẻ Việt Nam.

Ths.KTS Nguyễn Thu Phong, CT HĐQT TGĐ Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Nhà Vui, đang trình bày bài tham luận

Định nghĩa kiến trúc vì cộng đồng
Khái niệm kiến trúc vì cộng đồng có từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ lời kêu gọi “hãy vì cộng đồng” của Liên Hợp Quốc với các hoạt động thiện nguyện về y tế, giáo dục, nông nghiệp… đi đến các vùng xảy ra thiên tai động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt, nơi xảy ra nạn đói, dịch bệnh hoành hành, hay chiến tranh khốc liệt tại các nước nghèo ở châu Phi, châu Á… để giúp đỡ các nạn nhân trong đó có phụ nữ và trẻ em. 
Có định nghĩa cho rằng “Kiến trúc vì cộng đồng là kiến trúc phi lợi nhuận, quan tâm và hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những người nghèo, những người yếu thế nhất trong xã hội”. 
Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới đã dấn thân xây dựng sự nghiệp thiết kế của mình trên những tư tưởng kiến trúc về cộng đồng như Shigeru Ban ( Nhật Bản); Alenjandro Aravena ( Chile); Diébédo Francis Kéré ( Burkina Faso); Anna Heringer ( Đức)... Hầu hết các công trình của họ đều hướng về người nghèo, những nhóm đối tượng bị tổn thương và thua thiệt trong xã hội, thông qua kiến trúc, các tác giả mong muốn đem lại sự cải thiện tốt hơn cho môi trường sinh sống, làm việc học tập giải trí của cộng đồng. Tuy nhiên trong nhiều năm dài, việc làm và những nghĩa cử này không thật sự là một trào lưu lớn mang tính trách nhiệm của các kiến trúc sư trên toàn cầu. Từ giai đoạn cuối thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ 21, cùng với bùng nổ và thừa nhận các học thuyết về phát triển bền vững, về kiến trúc xanh, về sự quay về những giá trị xây dựng truyền thống bản địa... thì KTVCĐ lại có thêm những cách tiếp cận mới, được bổ sung những KTS giỏi tâm huyết chọn con đường sáng tác và hành nghề theo định hướng này.

Quyền con người về nhà ở - nơi làm việc, học tập – và nơi nghỉ ngơi giải trí 
Vậy đối với các nhóm đối tượng đang bị tổn thương của xã hội như: Người thu nhập thấp, người vô gia cư, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng dễ bị tổn thương, lạm dụng, người tị nạn chiến tranh, hay đơn giản là bất kỳ người dân tại các đô thị hay vùng nông thôn... Câu hỏi đặt ra là đã có những giải pháp xã hội nào thông qua kiến trúc để đáp ứng nhu cầu tối thiểu hay nâng cao của của các nhóm đối tượng trên? Giúp họ được tiếp cận, được sở hữu, được sử dụng một cách bình đẳng, miễn phí hay có giá thành thấp nhất các công trình kiến trúc tại 3 môi trường không gian chính của con người : Ở, làm việc và nghỉ ngơi giải trí. Giải quyết các vấn đề này chính là công việc của KTVCĐ.
Tác giả thử định nghĩa về KTVCĐ như sau: 
“ KTVCĐ là những công trình kiến trúc đơn hay đa chức năng dành cho một nhóm đối tượng người dân hay cho một cộng đồng cư dân cụ thể; đáp ứng các nhu cầu bức thiết về môi trường sống, làm việc hoặc nhu cầu nâng cao các giá trị tinh thần, văn hóa tín ngưỡng và truyền thống địa phương; bằng cách tiếp cận đầu tư trên cơ sở phi lợi nhuận, suất đầu tư rẻ; áp dụng thông minh và sáng tạo hòa hợp giữa công nghệ mới và vật liệu địa phương, phương thức xây dựng truyền thống; sử dụng đa dạng các nguồn vốn nhằm tối ưu hóa khả năng phục vụ của công trình cho đông đảo người dân tham gia làm chủ và sử dụng”.
“KTVCĐ là những công trình có sự tham gia của cộng đồng một cách toàn diện, tính tương tác, hợp lực và tinh thần làm chủ là bí quyết của những dự án thành công”.

Đúc kết các giá trị và tính chất của KTVCĐ

Ý nghĩa – Cao cả và nhân văn

Giải Pháp – Sáng tạo và thông minh

Thực Thi – Sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng

Triển vọng phát triển của Kiến trúc cộng đồng ở Việt Nam như thế nào?

Xuất phát từ thực tế cấp thiết

Việt Nam trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu và quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa tăng nhanh, chính là một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về các nguy cơ tác động xấu đến môi trường sinh sống của các cộng đồng cư dân. Không chỉ trong năm 2016 này, mã đã từ khởi thủy sự phát triển nóng những năm gần đây, chúng ta đồng thời đối mặt với những thảm họa môi trường tự nhiên và xã hội:

  • - Nước biển dâng, mặn hóa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp canh tác trên các vùng nước ngọt

- Thảm họa Formosa gây biển chết trong 4 tỉnh Bắc Trung Bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hậu quả to lớn hiện nay và tác động nhiều năm sau

- Lũ lụt dâng cao bất thường tại các tỉnh miền Trung, bên cạnh sự thiếu khoa học trong đầu tư vận hành các thủy điện lớn nhỏ

- Việc nhiệt độ xuống thất thường âm độ và tuyết rơi, lạnh kéo dài ở vùng núi cao phía Bắc ảnh hưởng lớn đến đời sống sức khỏe và canh tác của bà con các dân tộc.

- Trong vấn đề nhà ở, quá trình đô thị hóa tăng nhanh, chất lượng hạ tầng và môi trường sống đô thị không theo kịp, các khu nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư đều thiếu và có mô hình tổ chức không gian, kiến trúc chưa hợp lý, giá thành cao...

- Các tiện ích công cộng nhân văn đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân đô thị và các điểm dân cư nhìn chung còn thiếu và chưa đa dạng, chưa đáp ứng như cầu phát triển trí tuệ, nhân cách và thể chất cho trẻ nhỏ, người già, người tàn tật... Và thật sự thiếu các công trình KTVCĐ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc địa phương.


....... Rất nhiều vấn đề khác cùng tồn tại đất để cho KTVCĐ phát triển....

Lay động tinh thần “ Trách nhiệm xã hội” của người kiến trúc sư

Câu hỏi đặt ra là giới kiến trúc sư chúng ta có thể làm gì, có thể kiến tạo những công trình KTVCĐ như thế nào cho những cộng đồng đang bị tổn thương này. Nguy cơ hiển diện, tổn thất đã rõ, hệ lụy lâu dài, vậy sự ứng phó của giới kiến trúc ở đây là gì. Phạm vi nêu ra nằm ở phạm vi chuyên môn nghề nghiệp, bên cạnh sự đầu tư ngân sách của chính phủ, sự hảo tâm tài trợ của các tổ chức doanh nghiệp, sự ứng phó tự thân của người dân địa phương... thì vấn đề này cũng hy vọng giới kiến trúc sư Việt Nam đồng cảm, quan tâm và cùng chia sẻ các suy nghĩ trong quá trình tham gia thực hiện những công trình KTVCĐ một cách hiệu quả và trách nhiệm.

Đặt vấn đề một cách khác, nếu Kiến trúc sư không lĩnh nhận trách nhiệm tiên phong xã hội trong việc kiến thiết những công trình mang tính chất đặc thù, với mục đích nhân văn hỗ trợ các cộng đồng và nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, mà ngồi chờ các đơn đặt hàng với nguồn vốn sẵn có, thì e rằng chúng ta sẽ thực hiện việc này chậm trễ và thiếu tính chủ động. Ở góc độ này, cho thấy KTVCĐ sẽ là một kiến trúc xuất phát từ tính cao cả, sự nhân văn trong mục đích sử dụng và tính hiệu triệu trong quá trình kêu gọi đầu tư.

Trong phạm vi bài tham luận này, tác giả chưa thể nêu ra hết các gợi ý, bằng sự suy tư trách nhiệm của các đồng nghiệp, tôi tin rằng các đồng nghiệp KTS Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến trong việc phát triển KTVCĐ, đặc biệt là lực lượng KTS trẻ, dồi dào sức sáng tạo, sẵn sàng hy sinh sức trẻ và thử nghiệm trên những hướng đi khác biệt, chấp nhận thất bại để đi đến thành công.

Tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và trách nhiệm người làm nghề sẽ phát huy một cách cao cả khi KTS “ dấn thân” làm công trình KTVCĐ. Đơn giản chúng ta sẽ vất vả hơn làm công trình thông thường rất nhiều, phải lao tâm khổ tứ cho những đề bài nan giải với ngân sách hạn hẹp, không hy vọng có lợi nhuận thiết kế và sẽ không phải là những tác phẩm hào nhoáng khoe mẽ. Cái tâm thật sự của người làm nghề sẽ đến đến hiệu quả tốt nhất cho công trình.

Từ những phân tích và nhận định, liên hệ với nhu cầu cấp thiết của người dân tại đô thị và đặc biệt các vùng nông thôn đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các thảm họa tự nhiên và do chính con người gây ra, tác giả mong muốn thông qua hội thảo, cùng Hội kiến trúc sư Việt Nam kêu gọi và hiệu triệu những KTS tài giỏi, tâm huyết cùng phát huy kiến thức và lý tưởng nghề nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội trong thời đại mới, góp sức cho đời, tận sức cống hiến tạo dựng nên một nền KTVCĐ mang bản sắc Việt Nam, vì người dân Việt Nam.